Chương 10: Rơi xuống hồ

Nửa tháng sau

Lưu thị đưa thẻ số[1] trên tay mình cho lính canh cửa rồi khom lưng cười nịnh nọt.

“Toàn là vải dệt thôi, cảm phiền hai vị đại nhân xem xét.” Bà ta ra hiệu cho nữ tử phía sau nâng vải lên cao, ân cần giải thích, “Dạo này trời nóng, thái thú phu nhân dặn lão nô làm mấy bộ xiêm y cho phu nhân. Có điều lão nô không biết phu nhân thích loại vải nào, thành thử mới đưa thợ cùng vải vóc tới hỏi trực tiếp.”

Lưu thị có đon đả thế nào thì lính gác cũng chẳng tỏ thái độ hòa nhã. Họ cẩn thận kiểm tra để đảm bảo bà ta chỉ mang vải đến, sau đó nghiêm mặt tra kiếm vào vỏ.

Lưu thị thầm thở phào, bà ta liếc nữ tử đằng sau một cái trước lúc nhấc chân qua cửa.

Vừa vào trong bà ta liền đi thẳng về hướng đông. Dọc theo đường đi rợp bóng tường trắng ngói xanh đen, có cả cây cầu với cột đỏ thắm, tất cả tạo nên khung cảnh thanh bình đẹp đẽ. Nơi đây vốn được thái thú lão gia xây theo sở thích, ông ta còn mời thợ thủ công phương Nam mô phỏng kiểu dáng vùng non nước ấy. Đáng tiếc chưa kịp ở ngày nào đã phải dâng tặng người khác.

Hai người đi khá nhanh, chẳng mấy chốc đã đến phía trước khu viện tử có ba lối vào. Bên kia cửa thùy hoa[2], hương mai nhàn nhạt tỏa ra từ khu vườn xộc vô mũi.

Một nha hoàn thanh tú búi tóc tròn hai bên vén rèm bước ra, “Lưu mụ mụ ghé thăm đấy à, phu nhân hỏi có chuyện gì.”

Lưu thị xởi lởi lặp lại những lời ban nãy ở cửa, nha hoàn vào trong rồi mau chóng quay ra kéo rèm, “Phu nhân gọi ngài.”

Lưu thị dẫn theo thợ nhẹ nhàng bước qua cửa phòng. Bà ta vừa ngẩng đầu là thấy người con gái ngồi trước bàn, nàng sở hữu vóc dáng mình hạc xương mai cùng nét đẹp diễm lệ mong manh, quả thật quyến rũ vô cùng. Đây chính là sủng thiếp do Cố Hầu gia đưa tới nửa tháng trước – chỉ nhìn vẻ ngoài thì đâu ai đoán ra xuất thân của nàng thấp kém tột độ.

Lưu thị chìm nổi chốn hậu trạch bao năm nên sớm luyện cho mình cặp mắt tinh tường. Ngay từ lần đầu gặp mặt, bà ta nhận ra ngay vị “phu nhân” này không có sự tao nhã của con nhà danh giá, hay vẻ dung tục lồ lộ của đám ca kỹ con hát. Tuy nhan sắc đối phương đẹp tuyệt trần nhưng hai tay có vết chai mỏng, chứng tỏ thường xuyên làm lụng vất vả và mới thoát khỏi cuộc sống đó gần đây thôi.

Con gái nhà nghèo thường lấy chồng năm mười ba, mười bốn; nhìn mặt thì vị này không ở lứa tuổi ấy.

Một nữ tử búi kiểu tóc phụ nhân, lại có xuất thân thấp kém…

Nội tâm Lưu thị khinh thường phỉ nhổ “ả đàn bà không biết giữ nữ tắc” song mặt mũi chẳng hề biểu lộ gì, bà ta chào một cách thân thiện mà vẫn cung kính, “Phu nhân mạnh khỏe.”

“Lưu mụ mụ khách khí rồi.” Nữ tử gật gù với bà ta, mắt nhìn người đang ôm đống vải. “Không biết lần này Lưu mụ mụ mang loại vải nào đến, phiền mụ mụ đưa ta xem nào.”

Lưu thị nhanh nhẹn nhận lấy các cuộn vải, kế tiếp tiến về trước và đích thân đặt trên một góc giường, cuối cùng lần lượt giới thiệu, “Đây là lụa dệt kim thêu hoa của Khai Phong, hiện rất được ưu chuộng… Còn đây là vải Tố Vân, màu xanh này hiếm lắm…”

Lưu thị nói đến khô lưỡi mà nữ tử kế bên chỉ gật đầu, thỉnh thoảng lại chỉ bâng quơ mấy cuộn vải; trông nàng sầu não u uất, tinh thần ỉu xìu.

Dựa trên nguyên tắc Diêm Vương dễ tránh tiểu quỷ khó chơi, nếu đã nhận việc thì phải hầu hạ chu đáo vị tổ tông này. Sau khi sai thợ lấy số đo của nữ tử, Lưu thị hiền từ hỏi thăm với vẻ mặt săn sóc, “Sao nhìn phu nhân buồn bực thế, gặp chuyện khó giải quyết ư?”

“Ôi.”

Nữ tử thở dài, cứ chần chừ nhìn thợ may.

Lưu thị phất tay đuổi người thợ, “Cô ra ngoài chờ ta.”

Căn phòng trở nên yên tĩnh, nữ tử lại thở dài phiền muộn dưới ánh mắt Lưu thị. Nàng bồn chồn miết nhưng có vẻ chẳng muốn ai hay tâm trạng mình. Nhìn bốn phía xong – xác định cả Bích Uyên cũng đã rời đi – nữ tử bèn cầm tay Lưu thị và khẽ mở lời, “Ta thật lòng không biết ai có thể giúp mình, ngoại trừ mụ mụ.”

Ánh mắt Lưu thị lập lòe, bà ta hạ thấp giọng theo nàng, tha thiết bảo, “Phu nhân cứ nói, nếu là chuyện trong tầm tay thì lão nô quyết không chối từ!”

“Ta xin nói thẳng vậy.” Ánh mắt nữ tử sáng ngời khi nghe Lưu thị cam đoan, nàng áp sát bà ta rồi gấp gáp thổ lộ, “Từ ngày bỏ ta lại đây, hầu gia chưa lộ mặt lần nào. Không biết…không biết…mụ mụ có nghe được tin tức gì không? Ví dụ như…có người tặng hầu gia mấy cô gái xinh đẹp…”

Lưu thị tí nữa là bật cười thành tiếng.

Bà ta còn tưởng có chuyện gì, hóa ra vị này lo bị ghẻ lạnh.

Hồi mới đến trông thanh cao lắm mà, ai dè người ta mới ngó lơ nửa tháng đã bắt đầu lo sợ. Con nhỏ này ấy à, nhìn là biết một khi nếm mùi vị phú quý thì cái lưng cong liền.

Nhớ đến lời phó thác từ thái thú phu nhân, cùng tin tức nghe ngóng được, Lưu thị cười tươi như hoa, “Phu nhân yên tâm. Mấy ngày qua đúng là có người tặng mỹ nhân cho hầu gian, nhưng hầu gia chẳng nhận ai hết.”

Nữ tử nhíu mày giống đang nghi ngờ, Lưu thị bèn ra sức quả quyết, “Phu nhân không tin lão nô thì cũng nên tin hầu gia. Nghe đâu thánh chỉ đã tới, ngày mai hầu gia sẽ đi chém đám nghịch tặc, chắc sẽ nhanh về bên phu nhân thôi.”

Cái tay nắm Lưu thị thoáng cứng đờ mà không ai nhìn thấy.

Diệp Cẩn suýt mất bình tĩnh ngay tại chỗ.

Cố Quân sắp về.

Nửa tháng trước, nàng theo y đến phủ Vân Trung, y vứt nàng lại đây và chả hề chường mặt ra.

Thời gian qua, ngoại trừ hai nha hoàn bị phái tới hầu hạ nàng là Bích Uyên cùng Thúy Liễu, Diệp Cẩn tiếp xúc nhiều nhất với một vị ma ma trong phủ thái thú: Lưu thị. Nghe bảo đây là nhũ mẫu của thái thú phu nhân. Đối phương trông dễ gần ôn hòa, song Diệp Cẩn nhìn ra từ khóe mắt đến chân mày bà ta đều tràn ngập sự khinh thường nhắm vô nàng.

May mắn Diệp Cẩn chẳng để bụng, so với bị người ta khinh bỉ hay không, nàng bận tâm tới cái tên Cố Quân đã biến mất dạng kia hơn.

Hiện tại nàng cũng lờ mờ biết thân phận thật của y.

Cố Quân, nhân vật tiếng tăm lừng lẫy triều Đại Ngu. Y là đích thứ tử phủ An Định Hầu, mười sáu tuổi đỗ thám hoa, mười bảy tuổi bị biếm xuống thứ dân và lưu đày tới Mạc Bắc do chịu liên lụy bởi cha mình, mười chín tuổi hộ tống lục hoàng tử – nay là Vĩnh Hưng Đế – về kinh thành. Đế vương đích thân phong y làm Thanh Bình Hầu, là tổng đốc trực thuộc vua, là Binh Bộ Thượng thư[3]. Cố Quân đứng tại đỉnh giới quyền quý, dưới một người trên vạn người.

Nhân vật lợi hại như vậy mà bị thương nặng rồi lạc tới huyện thành nhỏ bé nơi nàng sống. Bề ngoài thì bảo là phụng chỉ bắt phản tạc, tuy nhiên Diệp Cẩn cảm thấy bên trong chắc chắn có bí mật gì khác.

Nhưng bí mật gì chăng nữa thì Diệp Cẩn cũng chả quan tâm, nàng chỉ thấy mình xui, cực kỳ xui.

Kế hoạch bắt đầu cuộc sống mới của nàng tan thành tro bụi, nàng còn bị nhốt giữa bốn bức tường cao vời vợi, ngay cả ra ngoài một chuyến cũng bị cấm đoán.

Trước một kẻ quyền thế ngập trời, chẳng lẽ nàng chỉ có thể ngồi chờ chết?

Ngoài cửa sổ có chim nhỏ vỗ cánh bay ngang qua, nó mang theo tự do để biến mất giữa trời xanh. Diệp Cẩn dời mắt, quay sang bảo Bích Uyên ở cạnh mình, “Trời đang nắng đẹp, chúng ta đi dạo trong vườn hoa đi.”

Phủ này sở hữu một vườn hoa nhỏ và góc vườn trồng vô số cây mai, bây giờ đúng độ chúng nở rực rỡ.

Diệp Cẩn không cho người hầu dìu, chỉ nói, “Đi cắt hoa giùm ta.”

Bích Uyên là một tiểu cô nương xinh xắn nhưng kiệm lời, chưa đầy mười bốn tuổi mà làm việc nhanh nhẹn, vừa nghe sai bảo liền vâng dạ rồi cắm đầu chạy về phía viện tử.

Xung quanh thật yên tĩnh, vườn hoa ở ngay viện tử kế bên nên Bích Uyên không chờ Thúy Liễu lấy cơm trưa về và thế chỗ mình. Lúc này bà lão phụ trách quét tước vườn hoa đang làm biếng ở đâu đó, Diệp Cẩn đảo mắt quan sát khắp nơi, xác nhận không có ai mới nhanh chân tới bên hồ nước gần đấy.

Dạo này tiết trời ấm lên nhiều, song nhiệt độ vẫn ở số âm. Chẳng biết hồ nước trước mặt nàng dùng biện pháp gì mà không bị đóng băng, nước trong hồ cứ thế cuồn cuộn chảy.

Với nhiệt độ hiện tại, nếu bất cẩn ngã xuống hồ thì chắc sẽ bệnh nặng.

Bên cạnh hồ nước, người con gái khoác áo choàng nhìn mặt nước trong vắt; hàng mi dài cong vút run kịch liệt, khóe môi nàng cong lên thành nụ cười mỉa mai pha lẫn bất lực.

Ngay sau đó, nàng duỗi tay thăm dò hồ. Hình như đất rất trơn nên cô gái trượt chân, nàng khẽ kêu một tiếng rồi ngã thẳng xuống nước.

Ào!

Tiếng người rớt xuống nước vang to nhưng bị cắt giữa chừng. Cái lạnh thấu xương với nước hồ cấp tốc bao vây Diệp Cẩn, nàng nín thở trong lúc cố gắng vứt bỏ tấm áo choàng được thắt kỹ lưỡng; ấy vậy mà nàng không thấy người nhẹ hơn bao nhiêu.

Hồ nước sâu hơn nàng nghĩ, áo bông ngấm nước là nặng như đá. Cô gái phát hiện mình đâu cần diễn kịch, nội việc giãy giụa trồi lên mặt nước đã hút cạn sức lực nàng.

Tiếng Bích Uyên la hét sợ hãi thấp thoáng truyền đến. Diệp Cẩn dốc sức bơi, khoảnh khắc trước khi kiệt sức, nàng bấu lấy mép hồ lẫn bàn tay run run vì kinh hãi của Bích Uyên.

Sau một chén trà nhỏ[4], nàng nằm trên giường với hai lớp chăn bông bọc quanh thân. Diệp Cẩn vừa hắt xì, vừa nhận chén sứ từ Bích Uyên, cô gái uống một hơi cạn sạch nước thuốc nóng bên trong chén.

Đúng như dự kiến, trời chưa tối là Diệp Cẩn đã phát sốt.

Trong cơn mê man, nàng thấy hằng hà sa số bóng người đi qua đi lại, còn cảm giác ai đấy đỡ mình dậy uống thứ thuốc đắng chát và khăn vải trên trán nàng cũng được thay rất nhiều lần.

Giây phút Diệp Cẩn đủ sức mở mắt ra, đối diện nàng là cặp mắt tựa giếng sâu đầm băng vô cùng quen thuộc.

Cố Quân đã trở lại.


Chú thích

[1] Là dạng thẻ hay được làm từ cây trúc, trên có ghi số, dùng để giám sát quá trình xuất nhập đồ vật trong một gia tộc.

[2] Là loại cửa tương đối được coi trọng trong Tứ hợp viện, có hình thức đẹp và giúp ngăn cách ngoại viện với nội thất của Tứ hợp viện.

[3] Tương đương Bộ Quốc phòng ngày nay. Binh Bộ thường quản lý các công việc như tuyển dụng quan võ và ghi chép binh lính, khí giới, quân lệnh.

[4] Khoảng 10 phút.

← Chương 9 —-oOo—- Chương 11 →

Leave a comment