Chương 2: Nàng muốn tìm cơ hội rời đi

Nửa đêm tỉnh giấc, Diệp Cẩn từng nghiêm túc tự vấn rốt cuộc bản thân đi đến cảnh ngộ hôm nay bằng cách nào.

Nàng vắt óc nghĩ mãi mà chỉ ra được hai kết luận.

Số nàng đen.

Nàng bị ngu.

Kiếp này của Diệp Cẩn bắt đầu khá gập ghềnh.

Cha nguyên thân là một thợ mộc tay nghề cao, mẹ thì biết thêu thùa, cuộc đời nàng ấy vốn tương đối bình an khá giả. Nào ngờ vào đầu xuân năm nọ, Thát Đát bên láng giềng đột ngột tấn công, cả nhà già trẻ bị giết sạch; mỗi mình nguyên thân thoát nạn nhờ được mẹ giấu dưới hầm.

Nhà tan cửa nát, vị hôn phu cũng bị Thát Đát mổ bụng, thiếu nữ mười bốn tuổi vừa khóc vừa moi đống tro bếp để lấy đồng bạc duy nhất còn sót lại của nhà mình. Nàng đi mất hai ngày một đêm tới huyện khác vì muốn cậy nhờ ông cậu ở đây.

Tốn bao công sức mới được gặp người thân cuối cùng, cứ tưởng cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn, ai dè vừa thả lỏng tinh thần đang căng như dây đàn là thiếu nữ ngất xỉu.

Lúc mở mắt ra, nàng ấy đã thành Diệp Cẩn.

Đồng bạc bị lấy đi mua thuốc, ông cậu nghèo rớt mồng tơi thở dài với nàng.

Nhóm lửa, nấu cơm, cắt cỏ, cho gà ăn… Kỹ năng sinh hoạt nào cũng cần học hành đàng hoàng, Diệp Cẩn nhìn bàn tay chai sần mà chỉ muốn than: Kẻ nào khuyên người ta học luật xứng đáng bị phanh thây xé xác.

Nếu biết trước sẽ xuyên không đến cổ đại làm ruộng, nàng nên học đại học nông nghiệp mới phải! Chứ đời đâu lại học mớ pháp luật vớ vẩn, suốt ngày ở cái văn phòng bé tí nhận kiện tụng về ly hôn và xem vợ chồng xé xác nhau!

Lúc rảnh rỗi, Diệp Cẩn đã đọc lướt vài quyển tiểu thuyết xuyên không. Nội dung toàn là nữ chính có tình yêu oanh liệt vượt giai cấp với vương công quý tộc, hay là vận dụng trí tuệ siêu phàm xây dựng sự nghiệp huy hoàng. Có điều tới lượt nàng thì Diệp Cẩn nhận ra mấy cái đấy khó quá trời khó.

Làm xà phòng? Nung thủy tinh? Mở siêu thị? Ngại ghê, vừa xuyên đến nàng đã bệnh tới mức bò trên giường còn không xong. Vất vả lắm mới bò dậy nổi thì sắc mặt mợ đã vặn vẹo lắm rồi. Ăn nhờ ở đậu nên nàng chỉ biết cắn răng làm lụng hằng ngày tại nông thôn thời cổ đại. Khi được ngủ nghỉ sau một ngày bận rộn, cô gái nằm trong cái chăn bốc mùi khó tả và tính toán: Tuyệt vời, nàng không có tiền.

Trước hết phải thông thuộc tình hình hiện tại, bước tiếp theo mới nghĩ cách xem có thể kiếm tiền khởi nghiệp không.

Hồi ấy Diệp Cẩn vẫn nghĩ tích cực lắm, dù sao chăng nữa, đời nàng đâu thể tệ hơn thế này. Ai ngờ ông trời nói với nàng rằng, “Bất ngờ chưa con.”

Người con gái chưa kịp thích ứng với cuộc sống mới tại cổ đại thì nạn hạn hán ập đến.

Sau mùa xuân chả có lấy một giọt mưa, người đàn ông hàng xóm dẫn vợ ra ngoài rồi về nhà một mình.

Diệp Cẩn nghe mợ kể là gã mang vợ đi cầm cố.

Có phu nhân nhà giàu không sinh được con nên tiêu tiền thuê phụ nữ đã sinh đẻ, mượn bụng cô ấy để sinh con, bao giờ hết hạn thuê mướn sẽ trả cô lại cho chồng.

Mợ nàng nhận xét chuyện hoang đường như thế bằng giọng bình thản lạ thường, “Còn lương tâm đấy, nếu bán cho đám buôn người thì muốn về cũng khó.”

“Đúng đó, trời cứ khô hạn vậy thì biết sống sao.”

Nhưng tới tận lúc mặt trời mùa hè thiêu đốt đất đai, trời vẫn chẳng đổ mưa.

Gã hàng xóm đã bán con trai út vào đêm khuya, Diệp Cẩn bị cơn đói đánh thức lúc nửa đêm nên nghe thấy cậu mợ thì thào bàn luận.

Diệp Cẩn lọt vào mắt xanh một địa chủ năm mươi sáu tuổi, ông ta sẵn lòng đưa năm đấu gạo để nạp nàng làm tiểu thiếp thứ chín.

Cậu nàng không đồng ý.

Mợ lại nói thôn bên có nam tử góa vợ đã bốn mươi tuổi, sẵn sàng đưa ba đấu gạo để cưới Diệp Cẩn làm vợ kế.

“Với mùa màng thế này, nếu không phải do Cẩn nương xinh đẹp thì làm gì có ai tình nguyện đưa sính lễ kiểu đó. Nó sắp mười sáu rồi, trước sau gì cũng phải lấy chồng. Hơn nữa tên góa bụa kia có nhà, có đất, vẫn xứng với Cẩn nương ngay cả khi nhà nó còn sung túc.”

Lần này, cậu nàng do dự.

Mười sáu…sắp mười sáu gì chứ, thân thể nàng mới tròn mười bốn tuổi!

Thời đại này đâu chỉ lạc hậu, nó là thời đại ăn thịt người.

Sau hôm nghe đoạn đối thoại trên, Diệp Cẩn quét dọn sạch sẽ cái lồng sắt chỉ còn đúng một con gà rồi đi nấu cơm. Nhân lúc trời chưa sáng, nàng bôi tro bếp đầy mặt và cải trang thành con trai, sau đấy một mình rời đi.

Có bị sói hoang trong núi ăn vẫn tốt chán so với bị bán cho gã đàn ông đủ tuổi làm cha mình rồi sinh con đến chết.

Nếu nguyên thân đủ sức đơn độc tìm người thân, vậy nàng cũng đủ sức đơn độc ra ngoài sống.

Khi ấy Diệp Cẩn nghĩ đời nàng chả thể hỏng bét hơn nữa, song ông trời lại nói với nàng rằng, “Bất ngờ chưa con.”

Trên đường tới huyện thành, nàng gặp phải lưu manh.

Gã lưu manh chẳng nói chẳng rằng đã đè Diệp Cẩn xuống, bụi đất làm nhòa mắt nàng.

Trong phút chốc, tay người con gái sờ miếng đá được mài nhọn hoắt. Nàng nghĩ lão trời già đã chẳng biết điều thì nàng việc gì phải làm người tốt. Cuối cùng một tiếng quát cứu nàng khỏi cảnh nước sôi lửa bỏng.

Gã lưu manh nhát cáy, nghe quát cái là chạy vắt giò lên cổ. Diệp Cẩn chỉnh sửa cổ áo xộc xệch, vừa ngẩng đầu liền thấy một thiếu niên thanh tú nho nhã đứng gần đấy và luống cuống nhìn nàng với khuôn mặt đỏ ửng.

Đây là lần gặp gỡ đầu tiên giữa Diệp Cẩn và Lục Văn Giác.

Ơn cứu mạng nên lấy thân báo đáp. Diệp Cẩn nghĩ rất đơn giản, nếu có thể chìa tay giúp đỡ phụ nữ trẻ em tức nghĩa nhân phẩm hắn khá ổn. Nhất là dù đã biết quá khứ của Diệp Cẩn nhưng hắn vẫn chống đối áp lực từ mẹ mình, kiên quyết cưới nàng về nhà.

Thực tế chứng minh Lục Văn Giác đúng là người tốt. Tính tình hắn ôn hòa, văn nhã, biết giữ lễ nghĩa, tuy đọc sách đến mức hơi khờ song còn trẻ mà đã đậu tú tài nên coi như tương lai xán lạn.

Cô gái từng nghĩ mình khổ tận cam lai rồi.

Tuy nhiên, Diệp Cẩn đã bỏ qua một chi tiết. Lục Văn Giác sở hữu gia cảnh tương đối ổn, rốt cuộc vì sao hắn lại khăng khăng cưới nàng, “bé gái nông thôn mồ côi” chẳng có lấy một cắc của hồi môn?

Tất cả vì hắn nghĩ mình cần chịu trách nhiệm do đã thấy nửa bên vai trần của nàng.

Bởi vậy vào năm thứ ba của cuộc hôn nhân, khi một thiếu nữ bán thân để mai táng cha cởi sạch đồ ăn vạ hắn, Lục Văn Giác cũng sẽ lừa Diệp Cẩn rồi lén lút nuôi thiếu nữ kia.

Nực cười quá, đúng không.

Nếu không nhờ vị kia lớn bụng và nóng vội muốn danh phận nên dùng thủ đoạn báo tin cho Diệp Cẩn, thì bây giờ nàng còn làm con ngốc chẳng hay biết gì.

Cái tát ấy đủ mạnh để Diệp Cẩn nổ đom đóm mắt, đồng thời giúp nàng tỉnh táo lại.

Trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã tường. Thế giới ăn thịt người này dọa nữ tử sợ chết khiếp, nàng vô thức bị thuần hóa tới độ muốn cứu bản thân thông qua việc lấy chồng.

Xuyên qua bốn năm, nàng giống hệt những người phụ nữ sinh trưởng ở nơi đây: học cách hầu hạ mẹ chồng, may áo dệt vải, chưa kể năm nay còn tính kỳ rụng trứng để sinh con.

Trời đất! Mấy câu chữ tối tăm khiến người ta nghẹn họng kia thật sự là đang mô tả nàng hả?

Một Diệp Cẩn với lý trí đã quay về chỉ muốn nói, nàng bị ngu.

May mắn mọi việc chưa quá trễ.

Dưới ánh nến mờ ảo, Diệp Cẩn tháo chỉ chiếc áo vải trên tay rồi lấy giấy thông hành mới nhận từ người môi giới hôm nay, kế tiếp nàng khâu nó vào lớp túi bí mật.

Tại triều Đại Ngu, phụ nữ muốn hòa ly phải được nhà chồng đồng ý, ngoài ra họ buộc phải trả lại toàn bộ sính lễ.

Hiện giờ nàng trả nổi sính lễ, nhưng với cái tính chần chừ thiếu quyết đoán của Lục Văn Giác – lại còn đa tình lẫn bảo thủ – mà muốn hắn hòa ly thì sợ đến ngày vị kia sinh con cũng chưa chắc đã xong.

Còn thư bỏ vợ ấy à, chỉ bàn về Cao thị chứ chưa bàn Lục Văn Giác, đã không có khả năng rồi. Cậu Diệp Cẩn chết sau khi nàng lấy chồng được hai năm, mợ đã tái giá và mang theo con gái sống cùng. Triều Đại Ngu có “thất xuất”[1] cùng “tam bất khứ”[2], trong số đấy có quy định sau: nhà chồng không thể bỏ người phụ nữ chẳng còn nhà mẹ đẻ để trở về. Sang năm Lục Văn Giác tham gia thi Hương, Cao thị nhất định sẽ chặn đứng mọi chướng ngại ảnh hưởng tới tiền đồ của con trai.

Thế nên trước mắt Diệp Cẩn chỉ còn một con đường duy nhất.

Nàng muốn tìm cơ hội rời đi.

Nàng phải đi, cứ ở đây mãi thì nàng chẳng biết mình sẽ biến thành hình thù gì.

Tạm thời mọi thứ đều thuận lợi, giấy thông hành đã có, chỉ cần thêm…

“Cô cần thêm một tờ hộ khẩu mới, không thì dù rời đi cũng chẳng thể định cư ở bên ngoài.”

Phía sau truyền đến giọng nam trầm quen thuộc, bàn tay cầm chiếc áo của Diệp Cẩn khựng lại lúc nghe người nọ đề xuất, “Ta có thể làm giấy tờ thay cô.”

Ngón tay cầm kim chỉ ngừng trong chớp mắt, sau đó kiên định khâu những mũi cuối cùng.

Diệp Cẩn thả cái áo xuống, quay đầu nhìn người đàn ông ngồi tại mép giường, “Điều kiện.”

Gió tuyết ngoài cửa sổ chợt im bặt, thanh niên ở đối diện thong thả tựa hờ vào giường. Theo chuyển động của y, một bóng râm nhỏ che khuất mắt phải trên gương mặt thu hút mọi ánh nhìn.

Khoảnh khắc đó, Diệp Cẩn bỗng lờ mờ cảm nhận được thứ hơi thở lạnh lẽo nguy hiểm, cứ như có lưỡi dao vô hình nhẹ nhàng xẹt ngang cổ họng nàng. Song chẳng đợi nàng ngẫm nghĩ, nó đã biến mất chẳng thấy tăm hơi y hệt một ảo giác chóng tàn.

Nhìn xem, người trước mắt nàng vẫn giữ nguyên bộ dạng cao quý thoát tục.

Y đáp, “Gửi một lá thư cho ta.”


Chú thích

[1] Thất xuất là khái niệm được sử dụng trong thời kỳ phong kiến, theo đó người vợ phạm vào một trong bảy điều sau thì người chồng có quyền bỏ vợ: 1) Không sinh được con; 2) Ghen tuông; 3) Ác tật; 4) Dâm đãng; 5) Bất kính với cha mẹ, ông bà; 6) Bất hòa trong gia đình; 7) Trộm cắp.

[2] Ba điều không được phép bỏ.

← Chương 1 —-oOo—- Chương 3 →

One thought on “Chương 2: Nàng muốn tìm cơ hội rời đi

Leave a comment